Huyền thoại Bùi Lương, biểu tượng của Tiền Phong Marathon. (Video: Trọng Quân)
“Con đừng leo như thế, chóng mệt, phải nghiêng người về phía trước, điều chỉnh trọng tâm cơ thể xuôi theo độ nghiêng của dốc, đánh tay như này, thở như này”, cụ Bùi Lương quay sang tôi, đồng thời thị phạm luôn.
Quả thực, với một người lười thể dục, leo lên con đường gập ghềnh ở Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu thực sự là một cực hình. Vậy mà cụ Bùi Lương vẫn bước nhẹ như không, rẽ cây đạp đá dẫn đầu cả đoàn. Thỉnh thoảng cụ dừng lại, phát hiện những kẻ thở không ra hơi như tôi, sau đó chủ động dừng lại đợi và chỉ cách đi cho đúng.
Nghe lời cụ, bước chân tôi bỗng trở nên nhẹ nhõm. Từ đây tôi có thể bắt đầu tận hưởng, hít thở bầu không khí trong lành và lắng nghe câu chuyện tình của đôi trai gái người Mông đã tạo nên “trái tim của Lai Châu”. Chuyện rằng khi cô gái nghe tin chàng trai hy sinh ngoài chiến trường đã khóc thương sầu khổ, hóa thân thành ngọn thác. Ngờ đâu chàng trai vẫn còn sống. Lúc trở về biết người yêu không còn, anh cầu xin trở thành dòng thác để mãi ở bên, từ đó hình thành nên thác Trái Tim.
Huyền thoại Bùi Lương tại thác Trái Tim, Sin Suối Hồ, Lai Châu. (Ảnh: Như Ý)
Trong ánh mắt xa xăm, cụ Bùi Lương đã kể cho tôi nghe chuyện của mình. Đó là năm 1972, giai đoạn đánh phá miền Bắc của Đế quốc Mỹ lên đến đỉnh điểm, nhưng Giải Việt dã báo Tiền Phong (sau này là Tiền Phong Marathon) vẫn tổ chức ở Hà Tây (cũ) và cụ vẫn cứ thi. Gì chứ chạy dưới mưa bom với cụ đã thành chuyện thường.
Điều đáng buồn, chỉ 3 ngày trước cuộc thi, cụ nhận tin người yêu ở Hải Phòng trên đường đi làm về dính bom nổ chậm, mất ở phà An Dương. “Khóc thương cô ấy, tôi bỏ ăn bỏ ngủ suốt 3 ngày đêm. Tới ngày thi, tôi lau nước mắt, chạy bằng tình yêu, bằng sự căm hận đế quốc Mỹ. Về nhất xong, tôi ra xe đi luôn Hải Phòng”, cụ kể khi ngồi trên tảng đá dưới thác Trái Tim.
Huyền thoại gắn liền với Giải Việt dã báo Tiền Phong, sở hữu 9 danh hiệu vô địch, bao gồm 8 năm liên tiếp (từ năm 1967 đến 1974), nói với tôi rằng, chạy không chỉ để chạy. Chạy chính là chiến đấu. Chiến đấu không ngừng nghỉ.
Huyền thoại Bùi Lương trên hành trình cùng Tiền Phong Marathon.
Đó là lý do ngay cả khi giải nghệ, cụ Bùi Lương vẫn tiếp tục “chiến đấu”. Cụ vào Nam ra Bắc để tìm kiếm nhân tài, huấn luyện họ thành những ngôi sao điền kinh mang vinh quang về cho Tổ quốc. Lúc tuổi già, cụ vẫn rong ruổi lúc thì công viên Thống Nhất, lúc ở Thành Công, khi sang Cầu Giấy, lên Hồ Gươm để hỗ trợ các chân chạy phong trào, giúp họ chạy đúng, có chất lượng, không chỉ rèn luyện thân thể mà còn tranh tài ở các giải chạy ngày càng nở rộ trên khắp đất nước.
Dĩ nhiên, cứ mỗi năm cụ lại mong chờ tới ngày diễn ra Tiền Phong Marathon, giải đấu đã trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp lẫy lừng của cụ. “Tết ra là tôi lại ngóng đến tháng 3 để được đồng hành cùng báo Tiền Phong đi khắp mọi miền đất nước”, cụ nói trong quá trình chuẩn bị cho Tiền Phong Marathon 2023 tại Lai Châu, vài ngày trước chuyến leo thác Trái Tim.
Trước Tiền Phong Marathon 2024, gặp lại cụ, vẫn dáng hình nhỏ bé nhưng đầy năng lượng ấy, cụ hỏi tôi bao giờ khởi hành tới Phú Yên. “Trong ấy nắng lắm, cụ muốn vào sớm một chút để chỉ bảo đám trẻ mấy bài tập bổ trợ, phân phối sức lực”, cụ nói trong lúc hướng dẫn các vận động viên chạy ở công viên Thanh Xuân.
Dù tuổi cao, cụ Bùi Lương vẫn miệt mài hướng dẫn lớp trẻ, truyền đạt lại kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy trong cả sự nghiệp lẫy lừng. (Ảnh: Như Ý - Trọng Quân)
Trong số ấy có cả những runner chuyên nghiệp như Phạm Thị Hồng Lệ, người sau đó về nhất cự ly 21km lần thứ liên tiếp ở Tiền Phong Marathon 2024, cũng có các chân chạy phong trào, là các cán bộ về hưu hoặc nhân viên văn phòng, sinh viên các trường Đại học. Ai cũng hướng về cụ Bùi Lương với ánh mắt ngưỡng mộ và kính phục.
“Cụ là người bố thực thụ với tất cả những người đam mê chạy bộ”, ông Phạm Trung Văn, cựu cán bộ quân đội, nói với báo Tiền Phong, “Cụ chăm lo một cách tự nguyện bất kể người đó là ai, chỉ bảo, uốn nắn từng bước đi, bước chạy, cái đánh tay, nhịp thở”.
Điều đặc biệt là trí nhớ của cụ vô cùng tốt, để nhớ từng đặc điểm, những vấn đề cần khắc phục của từng người và theo dõi sự tiến bộ của họ trong những buổi chạy tiếp theo. Ngay cả tôi, một năm sau cuộc trò chuyện ở thác Trái Tim, tôi thực sự bất ngờ khi cụ hỏi “giờ leo dốc con còn mệt không”.
Cụ Bùi Lương ở tuổi 81 tại Tiền Phong Marathon 2021 diễn ra ở đảo Lý Sơn
Thời gian vô tình như những dòng cát lọt qua kẽ tay, nhưng sự quan tâm tới thế hệ trẻ, tình yêu với điền kinh của cụ vẫn còn mãi. “Trọn đời sống cứ đam mê/ Duyên thể thao hết mới về cõi tiên”, cụ cười nói, “Riêng với Tiền Phong Marathon thì bao giờ duyên hết tôi mới về cõi tiên”.
Không ai ngờ trong buổi sáng đầu tiên tháng Bảy, cụ đã về cõi tiên ở tuổi 85. Nhưng cụ Bùi Lương ơi, duyên của cụ không bao giờ hết. Được truyền cảm hứng bởi cụ, nó đã bén rễ và lan tỏa trong cả cộng đồng, để tất cả sẽ tiếp nối tình yêu ấy, niềm đam mê ấy.
Như cụ nói, chạy là chiến đấu, chiến đấu không ngừng nghỉ.
Cụ Bùi Lương trong những ngày tham gia Tiền Phong Marathon 2023 tại Lai Châu. (Ảnh: Như Ý)
Nhà báo Lê Xuân Sơn, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong chụp ảnh lưu niệm cùng cụ Bùi Lương và các Hoa hậu, Người đẹp tham gia Tiền Phong Marathon 2023. (Ảnh: Như Ý)
Huyền thoại 9 lần vô địch Tiền Phong Marathon rạng rỡ trên đường chạy. (Ảnh: Như Ý)
Vĩnh biệt huyền thoại Bùi Lương, người đã trở thành biểu tượng của Tiền Phong Marathon. (Ảnh: Trọng Quân) Thanh Hải - Như Ý - Trọng Quân